Bệnh sốt xuất khuyết: Nguyên nhân và cách điều trị

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa và rất dễ lây lan nhanh thành dịch, mỗi lần dịch bùng phát sẽ dẫn đến nhiều người tử vong. Vì vậy, mỗi chúng ta phải có ý thức trong việc phòng ngừa bệnh.

Vì sao bệnh sốt xuất huyết lại nguy hiểm?
Có thể nói sốt xuất huyết là một bệnh do virus lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên bình diện quốc tế.

Trên toàn thế giới có khoảng 2,5 tỷ người hiện đang sống trong vùng có lưu hành bệnh. Sự lan tràn về mặt địa lý của cả véc tơ truyền bệnh (muỗi) và virus đã đưa đến sự tăng cao tỷ lệ bệnh trong vòng 25 năm qua cũng như khả năng xuất hiện dịch do nhiều chủng huyết thanh khác nhau ở các đô thị trong vùng nhiệt đới.

Nguyên nhân mắc bệnh sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Dengue. Hiện tại, virus Dengue có 4 týp thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Loài muỗi truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes aegypti và Aedes albobictus, chúng đưa virus gây bệnh bằng cách chích và hút máu người rồi truyền từ người này sang người khác.

Đây là loại muỗi thích hút máu người thường trú ngụ ở môi trường dơ bẩn, đẻ trứng và sinh sản ở những nơi như bể, thùng bỏ không, chai lọ, giếng nước, hốc cây…. và chủ yếu phát triển mạnh vào mùa mưa.

Đi khám ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ?
Bệnh sốt xuất huyết gây ra bởi virus Dengue thường có các dấu hiệu sau: sốt cao đột ngột và kéo dài từ 2-7 ngày, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam…

Những trường hợp bệnh chuyển biến nặng như lừ đừ, mệt mỏi, nôn ói nhiều…phải đến ngay các cơ sở y tế có khả năng chuyên môn để được phát hiện và chữa trị kịp thời nếu không sẽ gây nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.

Các phương pháp cần làm để phát hiện sốt xuất huyết?
Xét nghiệm máu cần thực hiện:

  • Xét nghiệm tổng phân tích máu
  • Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 trong 5 ngày đầu.
  • Xét nghiệm IgM từ ngày thứ 5 trở đi.
  • Xét nghiệm điện giải đồ (Na+, K+, Cl-)
  • Xét nghiệm chức năng gan (AST, ALT, GGT)
  • Xét nghiệm chức năng thận (Urê, Creatinin)

Chẩn đoán hình ảnh:
Một số trường hợp được bác sĩ chỉ định cho siêu âm bụng, siêu âm màng phổi, chụp X-Quang tim phổi.

Cách xử lý sốt xuất huyết?
Với người bị sốt xuất huyết đa số đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế, bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng và người thân nên theo dõi chặt chẽ người bệnh để khi có diễn biến nặng phải kịp thời đưa người bệnh vào bệnh viện.

Điều trị triệu chứng, nếu trường hợp nhẹ có thể chăm sóc tại nhà như sau:
Khi người bệnh sốt cao ≥39°C cần được nới lỏng quần áo, uống nhiều nước, lau người bằng nước ấm. Bên cạnh đó, cho người bệnh uống thuốc hạ nhiệt, thuốc thường được sử dụng là paracetamol đơn nhất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần nhưng không quá 60mg/kg cân nặng/24h có thể dùng lần tiếp theo sau 4-6 giờ.

Khi người bệnh bị sốt cao có nguy cơ thiếu dịch nên cần được bù dịch để đủ lượng nước cần thiết trong cơ thể bằng đường uống, người bệnh có thể uống bất kỳ nước gì như oresol, nước sôi để nguội, nước trái cây hoặc nước cháo loãng với muối. Tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì rất nguy hiểm đến tính mạng.

Thêm vào đó, người bệnh bị sốt xuất huyết phải ăn uống đầy đủ để đảm bảo dinh dưỡng nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu không nên ăn thức ăn có màu đỏ và đen, chế độ nghỉ ngơi hợp lý như vậy giúp người bệnh nhanh hồi phục.

Theo dõi bệnh và đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu trở nặng sau đây:

  • Chảy máu mũi, lợi.
  • Nôn ra máu.
  • Đi ngoài phân đen.
  • Kinh nguyệt ra nhiều/ chảy máu âm đạo.
  • Nôn liên tục.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
  • Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
  • Khó thở.

Sốt xuất huyết chuyện không của riêng ai?
Sốt xuất huyết là bệnh rất nguy hiểm, bất cứ ai trong chúng ta đều có khả năng mắc bệnh. Vì vậy, hãy tự giác dọn dẹp vệ sinh môi trường sống xung quanh chúng ta, lau rửa các dụng cụ chứa nước hằng ngày hoặc hằng tuần.

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước hoặc thả cá vào các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi không vào sinh sống và đẻ trứng.

Để phòng tránh bị muỗi đốt, bản thân mỗi cá nhân phải thường xuyên mặc quần áo tay dài, ngủ trong màn kể cả ban ngày sử dụng hương muỗi hoặc các hóa chất xua đuổi côn trùng.

Sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên mỗi người trong chúng ta hãy cố gắng phòng ngừa bệnh để muỗi không có cơ hội phát triển thì không có bệnh sốt xuất huyết.

Trên đây là những thông tin về bệnh sốt xuất huyết.

 


Call Now